Chuyện vui Trường cũ (2)

Năm tháng cứ trôi qua. Cuộc sống xô đẩy với bao lo toan, gạo tiền cơm áo ... Một hôm soi gương bỗng thấy vài sợi tóc bạc! Thế là tuổi trẻ đã vĩnh viễn bỏ ta ra đi mà không nói một lời từ biệt ...


Nhớ lại cái thời “gian lao mà anh dũng” dưới mái trường Cao đẳng Trảng Bom. Ước chi bây giờ mình được sống lại như thời đó ... cái thời chỉ lo ăn học, “yêu đương” và đùa nghịch với bạn bè, không vướng bận gì vào chuyện trần đời phức tạp ...


Nay tôi xin kể tiếp vài mẩu chuyện vui thời đó.


1 - Hoài Bắc được mùng.


Trong lớp Lâm 2 của tui, có lẽ Đỗ Hoài Bắc là người nghèo nhất. Mồ côi cha mẹ, anh em Bắc được ông bà nội nuôi dưỡng, cho ăn học. Bắc nhập trường với cái túi vải đựng độc nhất một bộ quần áo cũ và vài thứ đồ dùng lặt vặt, trước khi lên đường, em nó còn bỏ vào túi vải một cuộn chỉ với cây kim may tay ... Bắc mập lùn, mắt hơi lồi, dị tướng như một ông ... thứ trưởng! Tuy nhiên, tính tình Bắc rất vui vẻ, hồn hậu nên bạn bè ai cũng quý, cũng yêu ...


Một hôm, Hoài Bắc đi đâu về, hớt hải xông lại nói với tui:


       - Tiến ơi Tiến! tao thấy tụi con gái lớp mình nó đi lãnh mùng ở trên phòng Đời sống á. Sao con trai tụi mình không có?
         Hồi bao cấp, nhà nước “bao” tất cả, bởi vậy chị em nữ sinh viên nhà ta có thêm tiêu chuẩn một m2 vải mùng xô mỗi tháng (không biết để làm gì?).


       Thằng Đạt “láu cá” nằm ở gường trên, đánh hơi thấy có cơ hội chọc phá nên chỉa miệng vô nói với thằng Bắc:


      - Nhà trường chỉ cấp mùng cho ai chưa có, ai có rồi thì thôi! . Nếu mầy chưa có mùng thì làm đơn, đưa lớp trưởng xác nhận rồi nộp lên phòng Đời Sống để lãnh ... Bây giờ nước mình là nước Xã hội Chủ nghĩa rồi chứ có phải còn tư bản bóc lột nữa đâu mà ai muốn gì được nấy!
Thằng Bắc nghe thế mừng húm: Vậy hả? Tao chưa có mùng. Vậy tao làm đơn há?

Bắc xé tập giấy, hí hoái viết đơn. Thằng Đạt và thằng Mẫn nhiệt tình ngồi bên cạnh “tham mưu” cho nó từng câu, từng chữ ... Đơn làm xong, nó đưa cho tui nhờ xác nhận. Tui lúng túng, chẳng
biết giải quyết ra sao, bèn bấm bụng xác nhận “đại” cho rồi!


Xong, thằng Đạt cùng thằng Mẫn nhiệt tình “áp giải” Hoài Bắc lên tận phòng Đời Sống để nộp đơn. Thầy Khách, trưởng phòng Đời Sống nghe Bắc trình bày hoàn cảnh, hơi lúng túng, nói: Thôi, được rồi. Em để đơn đây tôi trình Ban giám hiệu, rồi báo lại kết quả sau!


Với cái miệng bô bô của thằng Đạt và thằng Mẫn, ngay chiều hôm đó, cả dãy phòng nam điều biết vụ thằng Bắc làm đơn xin mùng. Bắc hiểu ra, xấu hổ và hơi buồn vì bị bạn bè chọc quá xá ...


Nhưng hôm sau, có giấy của phòng Đời sống gửi xuống... Thằng Bắc được cấp 12 m2 vãi mùng xô để may mùng ngủ, bằng tiêu chuẩn một năm vải mùng của chị em ta ... Bắc rất vui, cắt vải mùng ra, dùng kim chỉ “chế tạo” một chiếc mùng trông rất hoành tráng, tươm tất...
Quả thật: “trong cái rủi có cái may”!


2 - Thằng Thành đi săn.
Hồi đi thực tập môn cây rừng ở Bưng Riềng, Xuyên Mộc; tuy có chị nuôi đi theo phục vụ, nhưng tiêu chuẩn ăn uống rất hẻo, suốt ngày lặn lội trong rừng nên mới nữa buổi là cái bụng nó sôi sùng sục. Vài đứa có “sáng kiến” đi moi trộm khoai lang, khoai mì của dân về “cải thiện” đời sống. Nhưng cũng không ăn thua, vì ăn khoai hoài rất ngán...
Sẵn có súng AR15 nhà truờng trang bị cho đoàn thực tập để tự vệ, Hoàng Đức Thành, lớp phó lao động bàn với tui để nó dẫn vài anh em đi săn ban đêm, kiếm thịt rừng cho lớp. Tui họp lớp, xin ý kiến thầy hướng dẫn bộ môn và đưa ra cả lớp bàn bạc (để chịu trách nhiệm tập thể, nếu có việc gì xấu xảy ra!). Dĩ nhiên là tất cả mọi người đồng ý và đóng góp ý kiến rất xôm tụ ...
Thành đi mua đèn đội, dây nhợ lĩnh kỉnh. Đầu hôm, nó dẫn 3 “lính” ra đi trong sự hồi hộp, đợi chờ của cả lớp ...

Do không có kinh nghiệm, đi cả đêm, gặp con thú nào cũng bắn ... trật lất!. Gần sáng, cả đoàn thợ săn thất vọng, tiu nghỉu quay về!. Cả tổ thợ săn rất buồn khi nghĩ đến sự háo hức,đợi chờ của cả lớp. Ai cũng chắc mẩm phen này được bửa tươi ...

Đi đến dòng suối gần nơi đóng quân, cả bọn thấy con chó vàng nhà ai đi bên suối. Thằng Thành nói: “Hay là săn thú rừng không được, mình săn ... chó?”. Cả bọn đồng tình. Thành dương súng “đoành” một phát, chú chó vàng lăn ra giẫy đành đạch ... A lê! cả bọn lao vào bắt, đốt lửa thui lông, mổ bụng, cắt bỏ đầu, pha thịt ...

Thằng Thành bàn: “nếu cả lớp biết mình ... săn chó thì mất uy tín quá!; bọn con gái nó cười! . Bây giờ về đứa nào cũng phải nói là săn được con cheo nghe!” . Cả bọn “săn trộm” cho là cao kiến, đồng ý ngay!.

Để mừng thắng lợi, thầy Hiền hướng dẫn thực tập cho cả lớp nghỉ một ngày. Tất cả bắt tay vào làm cỗ ... Các cô gái vốn không biết nấu món “thịt rừng” thì được phân công lọc thịt, pha thịt, ướp ... dưới sự “chỉ đạo” chặt chẽ của các chàng trai. Thành là chỉ huy tổ đầu bếp cũng làm đủ các món luộc, nướng, rượu mận, lòng ...

Mùi “thịt cheo” bay lên đậm đặc cả vùng trời, thơm nức mũi! . Quỹ lớp được xuất ra ngay để mua về một can rượu trắng. Bửa liên hoan văn nghệ với tiếng đàn ghi ta bập bùng kéo dài từ trưa đến tối ...

Sau cái đận “thịt rừng giả” đó, thằng Thành thừa thắng xông lên, đề nghị tui cho tổ nó đi săn tiếp; nhưng tui sợ nó hứng chí, bắn bò của người ta rồi về “khai” là bò rừng thì bị kỷ luật cả đám, nên thôi ...

Những ngày sau, cả lớp lại quay về với những bữa cơm đạm bạc ... Trong bửa ăn, thằng Đạt “láu cá” vừa trệu trạo nhai củ mì kèm rau rừng như bò nhai trấu, vừa bô bô: “Ước gì bây giờ có thịt chó ăn thì ngon phải biết!” .

Tâm “nguých” nghe thế “chửi” vỗ mặt: “Đồ cà chớn! Thịt chó mà ăn hả? Thà ... chết đói còn hơn!”. Đạt phản đòn: “Cái món thịt cheo hôm trước bà ăn là thịt chó đó, tui ở trong tổ đi săn, sao tui không biết? ” .

Cả bọn nữ nhao lên, vây quanh lớp phó Thành hỏi tội. Thành ta lúng ta lúng túng chống chế một hồi, nhưng rồi cuối cùng đành phải khai thiệt! Thế là cả băng Tâm “nguých”, Huyền Trân, Hồng Yếng, Hai Tạ, Dung “em bé”. ... chạy ùa ra sân ói tới mật xanh, mật vàng ...
Thằng Đạt chắp tay sau đít, bước ra sân đứng nói tưng tửng:

- Bửa nay nó tiêu hết rồi, nó thành da, thành thịt hết rồi. Ói làm sao ra được? !
http://www.youtube.com/watch?v=1DjGJe5pPAc

Võ Đình Tiến (Võ Trần Nguyễn) Lâm 2-0913120042-vodinhtien@yahoo.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến