Tôi vẽ tranh








Viết xong lá thư gởi Võ Dần, tôi lại ngồi thừ ra, không phải vì mệt mỏi, mà bồi hồi nhớ lại trường xưa bạn cũ . Những cánh chim từ bốn phương trời đã tới đó, làm huyên động đất và người Trảng Bom, đã lưu dấu trong tim những người đi – ở…
Và đã bay đi xây mộng, xây đời!

Thời gian đã qua lâu rồi, hình ảnh xưa giờ bảng lảng như trong khói trong sương. Thôi thì nhớ đâu thì cứ ghi vào đây, rồi sẽ có những người bạn thân yêu bổ sung cho hoàn chỉnh một bức tranh lung linh dĩ vãng.


Xa xa là một vùng mênh mông nước ở Nông trường Lúa Vàng – Mộc Hóa- Long An, lần dã ngoại đầu tiên trong đời sinh viên. Có thực tập gì đâu, đi cắt lúa giúp cho Nông trường thôi. Những cô cậu học trò lần đầu tiên biết thế nào là kỷ luật tập thể và lao động thực sự . Sinh hoạt thật là ấn tượng; Cá nhiều vô kể nhưng chẳng có dụng cụ bắt. Ăn, ở, đi lại, vệ sinh cá nhân quả là ở mức tối thiểu. Nước rút rồi thế mà còn lại ở chân ruộng quá gối, di chuyển ì oạp, lúa cắt thả nổi lêu bêu, cánh đồng chảy tràn mút mắt, không một bóng cây để ta có ý niệm chặng dừng.Thế mà quân số vẫn đầy đủ mới lạ chứ. Chắc tại ngảy đó chưa có khái niệm “trốn trại” và cũng không biết ngỏ đâu để về.



Và một mùa lạnh tê người ở cao nguyên Bảo Lộc, 7 giờ tối đã đốt lửa hơ ấm và tụm năm tụm ba đến gần nửa đêm, 4 giờ sáng phải dậy vì rét! Công việc đầu tiên là chạy lại bếp lửa để …tập thể dục (bài tập ấy đến giờ mình vẫn còn nhớ, lạ thật). Sáng ra nhìn mấy đứa trẻ con nhởn nhơ trong trang phục đơn giản, trời ơi sao chúng hay quá vậy, bọn mình ai cũng tấm tắc khen sức chịu đựng của mấy nhỏ. Mỗi ngày tắm một lần, mỗi lần một phút. Cao nguyên đẹp lắm, đẹp hơn nữa trong mắt người miền Tây như tôi. Gió thơm mùi nhựa thông, suối lung linh hòn cuội, đồi đất chênh vênh với cây cỏ. Có quả sim ăn như trái ổi xá lị mà cái lưỡi nhuộm tím rịm. Có vị đắng chát của những lá chè xanh mà những những người công nhân thích nấu uống. Có nỗi ngỡ ngàng trước cảnh cháy rừng, đất cháy dưới chân, tình yêu thiên nhiên cũng cháy lên từ đấy…. Và hồn tôi bỗng choáng váng vì yêu. Tôi yêu! Yêu thật! Yêu người bạn gái với tình cảm thật thơ ngây và cũng dễ dàng buông trôi. Mối tình đầu mà, cho thơm đời thôi. Dù sao, đến giờ tôi vẫn còn khả năng diễn đạt lại .

Rồi ở Xuân Sơn đi thực tập đào phẫu diện đất. Không biết ông bạn nào đào được một chú nhóc tha về trường. Loanh hoanh thế nào mà hắn đến ở trong phòng mình luôn. Ngày mình đưa nhóc về nơi cũ trả về gia đình, nhóc quì khóc bên suối Hòa Bình xin nhận làm con nuôi và cho đi theo với. Thật khó với trái tim nhẹ dạ! Một cái tát và hai đôi mắt đỏ để kết thúc vấn đề. Nếu có ai đó ở Xuân Sơn cho gởi một lời xin chú nhóc ngày nào tha thứ cho tôi.





Và, kỷ niêm rạt rào ở Bưng Riềng, Xuyên Mộc. Bộ mặt của xã cũng tươm tất ra phết. Hàng quán, nhà đông, người vui, con nít nhiều, tối nào bọn trẻ cũng quây quần đến chơi, phía xa xa là những người lớn. Tha hồ mấy chàng trai cô gái lóp mình chứng tỏ kỹ năng bặt thiệp hoặc tài mọn ( đã có vài người làm rể xứ ấy rồi). Ngại và mắc cở nhất là cái phòng bảo sanh ở ngay chỗ lớp tá túc. Vui thế chứ đi làm mệt chết, đổ mồ hôi với phát cây dọn lối điều tra ( kêu bằng gì giờ quên mất), rách áo phồng tay chứ chẳng chơi, rồi muỗi mòng đỉa vắt. Thấy ái ngại thay cho cánh chị em nhà ta khó lòng xoay sở. Mà ai biểu chọn ngành này làm chi hỏng biết, cực cho chị em mà cũng khổ cho mấy ông trai trong lớp phải nâng cao ý thức nuông chiều. Nhưng bù lại, ở đó lần đầu tiên được biết mùi vị của Gùi, Xoài rừng, Thị, Cám (Trám), biết canh lá Giang, biết nước dây Cam thảo… Ừ, dễ đến 25 năm rồi chưa được thưởng thức lại những món đó, chắc tới vãng đời luôn quá. Rồi được đi tắm biển, kéo lưới với dân chài, nghe nói chỗ đó người ta vượt biên dữ lắm, bởi thế nên có mấy ông bộ đội mặt khó đăm đăm.
Khung cảnh này trong tôi có một khoảng lặng riêng tư…


Cái lớp gì mà đông dễ sợ, có đến 70 người, 6 phòng nam và 1 phòng nữ. Đi học thì kéo một đoàn rồng rắn. Buổi tối xách đèn dầu lên hội trường nào cũng thấy có phe ta, xem TV qua vách liếp nhà các thầy cũng thấy có phe ta.

Con gái không có hoa khôi, thế mà vẫn bị mấy cha lớp khác rinh hết, may mắn đôi ba chàng trai trong lớp còn kéo níu lại được, không thôi lỗ thấu xương. Chắc nhờ chị em ta nói chuyện có tính cách và biết làm ngọn lửa có mùi thơm. Không biết còn biệt tài nào nữa không, mình làm sao biết được. Dù vậy, phe ấy vẫn được bọn trai trong lớp chiều và nể lắm lắm .. .




Các ông tướng nhà ta thì cũng đình đám đủ trò. Buồn buồn đập nồi đập vạt hét toáng lên để ….. thay đổi không khí. Tinh quái là thế chứ cũng lịch lãm ra phết, hình như mỗi phòng đều có một đại diện “thanh lịch” thì phải. Mỗi người mỗi tính cách riêng biệt, sống chan hòa vào nhau tạo nên nhiều điều thú vị riêng có của đời sinh viên kham khổ.
Biết kể chuyện sao cho hết, biết kể tên bạn sao cho đủ. Ký ức dồn dập trôi về, chồng lấn lên nhau- cất cao lên mãi như một tòa lâu đài kỷ niêm nhiều mê cung.
Tôi không dám vẽ ai trong khung cảnh của tôi, e rằng tôi vẽ không nổi bật cái riêng có, lo rằng khi vẽ các bạn, lòng tôi thổn thức mà nhếch nhác bức tranh lòng.


Tranh còn nhiều loang lỗ yêu thương. Mong rằng sẽ có nhiều trái tim hồng đính thêm cho sáng ngời kỷ niệm, để vỗ về những người đã mất, tiếp sức những hoàn cảnh chưa may và làm vui thêm cho những bạn đã có được sự an bình .


Tôi tung tranh lên trời!


Ngô Tấn Hùng





Nhận xét

Bài đăng phổ biến