Vị bác sĩ và cô gái quê

















Võ Trần Nguyễn

Năm 1990, một đoàn bác sĩ nước ngoài phối hợp với một số bác sĩ tình nguyện VN về một huyện vùng sâu của tỉnh B để phẫu thuật cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch theo chương trình “Vì nụ cười trẻ thơ”.
Một buổi chiều, sau những giờ làm việc căng thẳng, bác sĩ K, một “đồng trưởng đoàn” phía VN, thả bộ dọc theo hương lộ để ngắm nhìn cảnh thanh bình của một vùng quê. Ông chợt thấy hai cô bé chở nhau trên chiếc xe đạp cũ và dừng lại trước một túp lều tranh. Khi cô bé ngồi phía sau nặng nhọc leo xuống xe, bác sĩ K ngạc nhiên trước một khuôn mặt dễ thương như thiên thần nhưng thật bất hạnh: đôi chân cô bé bị dị tật kỳ quặc - hai bàn chân bị lật ngược về phía sau, khớp gối cũng bị lật ngược về sau.
Cô bé lưng mang cặp sách, nặng nhọc bám vào hàng rào tre để lết vào nhà với đôi chân chéo nhau theo hình chữ X.
Bác sĩ K bước vào nhà, giới thiệu về mình và đề nghị gia đình cho ông được khám trường hợp dị tật của cô bé. Cha mẹ cô bé cho biết trước đây trong chiến tranh họ sống ở miền Trung, trong một vùng được coi là bị nhiễm chất độc màu da cam nên khi họ sinh ba đứa con, cả ba đều bị tật nguyền. Trường hợp cô bé có gương mặt thiên thần này là nhẹ nhất, còn hai anh trai của em đều mất trí, đang sống đời sống thực vật…
Nhìn cô bé, bác sĩ K không khỏi xúc động. Trên khuôn mặt đẹp của em, đôi mắt đen lay láy ẩn chứa nét u buồn và chịu đựng. Trong lúc ông khám đôi chân dị tật, cô bé không nói lời nào nhưng ánh mắt sâu hun hút nhìn lên vị bác sĩ như van lơn, cầu khẩn.
Ở độ tuổi 13, môt cô bé đã đủ trí khôn để hiểu về thân phận, tương lai của mình…Ánh mắt đó đã dẫn bác sĩ K đến một quyết định: ông đề nghị gia đình đưa cô bé về bệnh viện huyện để đoàn bác sĩ tiếp tục hội chẩn, và nếu được sẽ tiến hành phẫu thuật, trả lại đôi chân bình thường cho em.
Sau khi hội chẩn, các vị bác sĩ trong và ngoài nước của đoàn đều lắc đầu trước trường hợp dị tật này. Dù vậy bác sĩ K vẩn chưa chịu thua khi ông nhìn vào đôi mắt sâu, tràn đầy hi vọng của cô bé: “Thứ hai tuần sau gia đình cứ đưa em về bệnh viện tỉnh. Tôi sẽ xin ý kiến giám đốc bệnh viện đó. Nếu được đồng ý, tôi sẽ phụ trách ca này”
Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Các vị bác sĩ nước ngoài tuy không làm những việc mà họ không rành về chuyên môn, nhưng trước quyết tâm của bác sĩ K, họ cũng tham gia gây mê, hồi sức, theo dõi… Ca mổ khó khăn, kéo dài và kết thúc vào 11 giờ đêm.
Sau thời gian điều trị, cô bé được xuất viện. Ba mẹ cô rất mừng, để tỏ lòng biết ơn tấm lòng của các bác sĩ, họ mời các ân nhân đến nhà để họ được đãi một bữa cơm. Các vị bác sĩ vui vẻ đồng ý, vì lúc này họ cũng đã kết thúc công việc.
Bữa cơm đạm bạc, chỉ có món thịt gà tơ xé phay, nhưng các bác sĩ trong đoàn đều khen rất ngon. Bác sĩ K còn nói trong đời ông chỉ thích nhất món gà xé phay. Cha mẹ cô bé cho biết đây là những con gà do cô bé tự nuôi và thường đào gò mối cho gà ăn nên thịt gà mới thơm ngon như vậy.
Sau khi dặn dò gia đình và cô bé về chế độ luyện tập sau phẫu thuật, đoàn bác sĩ lên đường trở về thành phố…
Một năm sau, vào đúng ngày bác sĩ K tiến hành ca phẫu thuật cực kỳ khó khăn cho cô bé nhà quê ở tỉnh B, khi đi làm về ông thấy một cô bé lấp ló đứng đợi ông trước cổng, tay xách hai con gà mái tơ. Ông nhận ra ngay cô bé có đôi mắt sáng và khuôn mặt thiên thần ngày nào, chỉ có điều khác là nay cô bé có thể đi lại gần như người bình thường. Đôi mắt cô không còn vẻ u uất nữa mà ánh lên niềm vui và tràn trề hi vọng…
Hơn mười năm sau đó, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 11/7 hằng năm, những người láng giềng của bác sĩ K. đều quen nhìn thấy cảnh một cô gái quê, tay xách cặp gà mái tơ kiên trì đứng trước nhà bác sĩ K. đợi vợ chồng ông đi làm về.
Những năm sau này, do không có con, vợ chồng vị bác sĩ tốt bụng nhận cô gái làm con nuôi …
Câu chuyện chưa kết thúc ở đây. Môt anh trai làng đã để ý thương cô bé cùng xóm có đôi chân đi hơi khập khiễng nhưng gương mặt xinh xắn, đáng yêu, lại rất thông minh, hiền hậu nên xin cưới cô làm vợ. Họ đã có hai đứa con dễ thương, bụ bẫm; cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng thật đầm ấm, hạnh phúc.
Một lần về thăm gia đình đứa con nuôi, vợ chồng bác sĩ K ngỏ ý muốn giúp cô chút ít tiền vốn để xây nhà và đầu tư làm vườn, nhưng cô gái cương quyết từ chối. Cô nói: “Ba mẹ hãy cho con được suốt đời làm đứa con tinh thần của ba mẹ. Đó là niềm vui lớn nhất đời con…”
Câu chuyện trên đây là có thật, nhưng tôn trọng ý kiến của những người trong cuộc, người viết giấu tên và địa chỉ các nhân vật.
                                                                                                                                   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến