Chuyện vui Trường cũ !

Hôm nay, vào thăm blog “Trường cũ”, tôi bồi hồi xúc động, nhớ về những ngày gian khổ mà vui ở trường Cao đẳng... cẳng đau, huyện Thống Khổ, Tỉnh Đồng khô!.
Nay xin ôn lại vài mẩu chuyện vui hồi đó:

1. Chuyện Vinh Xà Mâu bị “lột quần":
Biệt danh “Xà mâu” là do thằng Mẫn (Long An) đặt. Lúc đầu tôi không hiểu nghĩa từ này, hỏi ra mới biết: con heo bị ghẻ lở, dân miền tây gọi là heo xà mâu. Hồi đó, thiếu xà bông tắm, ở dơ nên thằng Vinh bị lác, thằng Mẫn láu cá phát hiện, mới đặt chết tên như thế.

Thằng Vinh tướng cao to, mặt trông dữ dằn (nên còn có biệt danh khác là Khỉ Gô Rin). Bình thường nó rất hiền lành, nhưng khi nỗi nóng, nó phang bất kỳ ai đứng gần.

Tôi là lớp trưởng Lâm 2. Hôm đó, tôi tổ chức họp lớp tại “phòng con trai”. Gần đến 13g30, các bạn nữ đã đến lác đác ngồi ngoài hiên mà Vinh Xà Mâu vẫn nằm mặc quần đùi, chân co, chân dũi, ngáy kho kho. Tôi nhắc thằng Mẫn kêu mấy ai lần mà nó không chịu thức dậy. Mẫn nói: “Để tao trị nó”.

Thằng Mẫn lấy sợi dây cột cọng kẽm ở một đầu móc vào lưng quần đùi, đầu kia buộc vào ngón chân cái đang co của Vinh Xà Mâu rồi xé mãnh giấy kẹp vào giữa 2 ngón chân, châm lửa đốt. Ngọn lửa lan dần đến ngón chân Vinh Xà mâu. Cả bọn con trai mặt tái mét, tất cả nằm lên gường, đắp mền kín mít như đang ngủ, nhưng mắt vẫn ... hé nhìn.

Khi vài bạn nữ bước vào phòng để họp là lúc lửa bén tới ngón chân. Nóng quá. Vinh xà mâu đạp rẹt... rẹt!. Sợi dây bị đạp căng, kéo cái quần đùi của Vinh xà mâu tới đầu gối ... bày ra tất cả. Các bạn nữ ré lên, chạy ra khỏi phòng. Vinh Xà mâu kéo quần lên, mặt đỏ rần. Vừa tức. Vừa mắc cỡ. vừa chạy. Vừa chửi thề. Nhưng không biết bắt tội ai vì bọn con trai đứa nào cũng đang ngủ khò khò (?). Nhưng vài đứa đang ngủ mà cái mền đắp lên người rung rung như đang lên cơn sốt rét. Thế là Vinh ta tìm những cái mền rung rung đó mà “giội lửa thù”.

Bây giờ, thằng Mẫn đã qua đời. Vinh xà mâu có thời gian là giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Bạc Liêu, hiện nay là giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bạc Liêu.

2. Thằng Đạt láu cá lái máy bay.
Thằng Đạt và thằng Thinh cùng đồng hương Long An. Thằng Đạt láu cá lanh lợi, miệng nói suốt ngày, hay bày trò chọc phá người khác. Còn thằng Thinh hiền lành, suốt ngày đố cạy ra tiếng nói. Bởi vậy, thằng Đạt hay bắt nạt, ăn hiếp thằng Thinh. Chiều học về, nó hay bắt thằng Thinh cầm lon gô đi lấy cơm cho nó; còn nó, ngồi lấp ló trên gường (tầng 2), chờ mấy bạn nữ KT2, CB2 đi lấy cơm ngang qua, nó dùng còi tu huýt thổi tít te ... tít te theo nhịp đi của người ta. Có cô mắc cỡ, luống cuống bỏ chạy. Tiếng còi của nó tít te...tít te dồn dập theo nhịp chạy của các bạn nữ.

Chán thổi còi, nói lấy cây đàn ghi ta của lớp ra hiên ngồi. Khi cô Mai (L2) đi lấy cơm ngang qua, nó hát rống lên: “Mai! anh đã yêu em một ngày/ anh đã xa em thật rồi. Vì tình yêu phải không Mai? ” . Lúc đó, Bích Thủy (KT2) đi sau, nó hát liền “Bích Thủy! anh đã yêu em một ngày...”. Rồi “Hai Tạ! anh đã yêu em một ngày... ” (Hai Tạ là biệt danh của Tạ Thị Vân- L2). Chọc phá xong, nó thường đi tắm (lúc này tất cả sinh viên tập trung lên nhà ăn nên giếng trống, dễ lấy nước). Tắm xong, nó ngồi chờ thằng Thinh đem cơm về cho nó xơi!
Có lẽ trong số các bạn nữ bị thằng Đạt chọc phá, có bóng hồng thằng Thinh “thầm yêu trộm nhớ” nên thằng Thinh tức, tìm cách trả thù. Hôm đó, thằng Thinh tranh thủ lấy cơm về sớm, thằng Đạt tắm xong, vô phòng KTX nam thay đồ. Lúc này, tất cả bạn nam trong phòng lên nhà ăn, chỉ có thằng Đạt và thằng Thinh trong phòng. Thằng Đạt ra khép cửa tre, mắt dõi qua khe liếp canh chừng. Miệng nó ngậm cái quần đùi khô, hai tay cởi quần đùi ướt. Chờ thằng Đạt vừa kéo quần đùi ướt ra khỏi chân, thằng Thinh từ góc phòng chạy đà xông tới, đạp ngay mông thằng Đạt. Đạt bị bất ngờ, theo quán tính, bung cửa, trần như nhộng lao ra sân. Lúc này các bạn nữ đi lấy cơm ngang qua nhìn thấy, mất hồn chạy bỏ dép ! Thằng Đạt vẫn còn quán tính, hai tay cầm cái quần đùi lượn một vòng như lái máy bay ngoài sân rồi mới chạy vào phòng. Nó hét lên với thằng Thinh “Sao mầy làm vậy? ” . Thằng Thinh lầm lì rồi trả lời “Từ nay tao không đi lấy cơm cho mầy nữa!” .

Bây giờ thằng Đạt là Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Long An, thằng Thinh là Trưởng Phòng nông nghiệp một huyện nào đó ở Long An.

3. Quang “Lù Đù” bị té nước.
Quang “lù đù” là Bí thư Chi đoàn Lâm 2. Mỗi lần họp lớp, Quang thường phê bình những bạn lên hội trường học đêm nhưng hay về sớm. Bởi vậy, Quang hay làm gương, thường tối nào cũng học đến gần 12 g đêm mới về.
Bị phê bình, thằng Mẫn và thằng Ất (Ớt) tức lắm! . Chúng tìm cách trả thù.

Đêm đó, cả phòng đã ngủ. Quang “lù đù” về. Vừa xô cửa tre bước vào phòng thì bị một lon gô nước đặt hờ trên đầu cửa đổ ào xuống, đầu cổ, quần áo ướt như chuột! . Quang chửi, nhưng cả phòng nam đều dắp mền, ngủ mê man (?), chỉ thấy vài cái mùng rung rung. . Quang vào gường, chải lại mái tóc, cởi quần áo ướt vắt lên vách phên tre rồi cột mùng ngủ. Vừa nằm xuống gường, bỗng “rầm!” . Vạt gường và song gường bị ai lấy mất, chỉ còn chiếu cột căng bị tải trọng nên sụp xuống. Bên dưới là cái thau nhôm bạc to tổ bố (được nhà truờng trang bị, dùng chung cho cả phòng nam). Trong thau đầy nước. Thế là lần nữa Quang “lù đù” bị ướt... hơn chuột lột.

Lúc này, cả phòng nam đang ngủ say như chết(!). Nhưng có vài cái mùng rung lên, rồi nhiều cái mùng rung rung, rồi vài tiếng cười kìm nén bộc ra, rồi tràng cười tập thể bật ra...
Còn nhiều chiện dui! Hồi khác rảnh tôi kể!


4. Bài thơ chọc Hồng Yếng.
Hồi đó, theo phát động của Liên Chi Đoàn Khoa Lâm học: Việc học là trên hết. Yêu đương bị tạm hoãn. Nói thế nhưng không ai cấm được.

Lớp tôi có bạn Hồng Yếng rất dễ thương, bồ với bạn Châu (CG1), thường bỏ học đêm đi chơi. Tôi là lớp trưởng, được Chi đoàn giao nhiệm vụ tâm sự riêng với Yếng mấy lần mà... “vũ như cẩn” (Thực ra, tôi cũng có tình cảm riêng với Yếng nhưng hồi đó nhát quá, không dám thổ lộ!)

Tôi bèn làm bài thơ đăng báo tường của lớp chọc Hồng Yếng. Bài thơ có tựa “Bày cho nhỏ ngày thi”. Tựa này “ăn theo” tựa bài theo bài thơ “Bài cho nhỏ ngày thi” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nguyên văn bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên như sau:


BÀI CHO NHỎ MÙA THI

Mùa thi đã đến gần kề rồi đó nhỏ
Nhỏ lo năm ta lại lo đến mười
Những bài thi làm nhỏ biếng môi cười

Ta thật sự trong lòng đau khôn xiết
Ta tưởng tượng nếu nhỏ mà thi rớt

Chắc nhỏ buồn như những lá thu bay
Chắc lệ buồn làm ướt cả khăn tay
Ta tưởng tượng nếu nhỏ mà thi đỗ
Nhỏ có mừng chưa chắc đã hơn ta

Nụ cười nhỏ sẽ rực rõ như hoa
Như ánh nắng ửng hồng đôi má nhỏ

Mùa thi đã đến gần kề rồi đó nhỏ
Ta không tin nhưng hồi hộp lạ thường
Đêm ta nằm cầu nguyện quá xót thương
Cho nhỏ đỗ dù ta người ngoại đạo:)

Còn dưới đây là bài thơ của tôi:

BÀY CHO NHỎ MÙA THI

(Tặng Trần Thị Hồng Yếng-lớp Lâm 2)

- Tối nay là thứ ba
mình đi chơi nghe nhỏ
Học nhiều gầy lắm đó
điện cúp, tối thui à! (*)

- Í! Sắp thi rồi mà!
Mới đi chơi hôm qua.
Chơi hoài, thi không đạt. (**)
Anh đi một mình nha?

- Ê! làm bộ quá ta?
Nghe lời anh tí xíu
Còn chỗ nào chưa hiểu
“Quay phim”. Xong ngay mà?

- Thôi! Khó nghĩ quá đi!.
Cái ông này kỳ nhẻ?
Một lần này thôi nhé!
đứng đó, đợi tí ti... (thay đồ!)
***
Hôm nhỏ vào phòng thi
Bắt đề xong. Run quá!
Trời ơi! sao xui lạ?
Nhỏ ngước nhìn thầy Quy (***)

Thầy quay nhìn lơ đãng...
khói thuốc vương bờ mi...

Thời cơ đang đến đấy!
Không xem, còn đợi gì?

Bỗng nhiên thầy quay lại.
Nghe tiếng gọi đích danh!
nhỏ điếng người, cứng miệng!
Hồn bay lên mái tranh! (****)

Nhỏ nhìn quanh, đau khổ!
Mọi cặp mắt dồn sang.
Không lo học đàng hoàng.
Bây giờ biết xấu hổ!

(Tháng 6-1982)

(*) Hồi đó, do thiếu nguồn cung nên định kỳ đến tối thứ 3, toàn trường cúp điện.
(**) Nếu thi dưới 5 điểm, hoặc bị phạm quy, thầy ghi bên lề bài 2 chữ: KĐ (không đạt).
(***) Thầy Quy:  giáo vụ, chuyên coi thi nhưng sinh viên quen gọi là thầy, hiện đang công tác ở An Giang.
(****) Hồi đó, trường làm bằng khung tre, mái lợp tranh.


5. Bài thơ tặng Hồng Cẩm (Lớp Lâm 4)


Hồng Cẩm quê miền Tây, khi nhập trường mới khoảng 17 tuổi. Nhớ mẹ, nhớ em, hay khóc nhè. Tôi là Ủy viên Liên Chi đoàn khoa, được phân công theo dõi, làm công tác tư tưởng, động viên các đàn em mới nhập trường, ngăn bỏ học.

Nghe Bí thư chi đoàn Lâm 4 phản ảnh trường hợp của Hồng Cẩm, tôi đến khuyên nhủ, động viên (bây giờ mới nói thật: và cũng có ý định tán tỉnh nữa), nhưng tôi càng nói, cô bé càng khóc. Về tôi làm bài thơ đăng báo tường của lớp.

Em về kẻo Ngoại trông mong!
(Tặng Hồng Cẩm, lớp lâm 4)

Em có về thăm mái trường xưa?
Thăm bè bạn. Những tháng ngày mong nhớ?
Khoảng đường củ vẫn đầy hoa Mắc cỡ..
Chiều êm êm. Hương nếp thơm nồng!

Lâu không về, em có nhớ dòng sông?
Trời tháng tám soi mình trong đáy nước.
Đi bờ dạo, để gió lùa, rối tóc
Lối đi về, tiếng guốc gõ thanh thanh..

Bên một góc tường nào cánh hoa giấy rơi nhanh
Em chưa về, có nhớ những chiều mưa?
Trời trở lạnh nước đổi màu, sóng vỡ.
Bờ sông ấy vẫn bên bồi, bên lở..

Dưới đồng xa chim gõ nhịp sang mùa..
(Quên mất một khổ...)

Kỳ nghỉ này về thăm ngoại nhé em!
Anh sẽ khuấy mái chèo, đưa em xuôi con nước.
Để buổi sáng Anh ngồi nghe Em ước.
Khi học xong, em trở lại nơi này.

Góp bàn tay cho bát ngát rừng cây
thay áo mới cho rừng tràm rừng sát

Em sẽ trồng cây trên cánh đồng hợp tác
Sóng vỗ về, lay động cả vầng trăng!
Em về kẻo ngoại trông mong!
Em về kẻo ngoại trông mong!

Nghĩ lại mắc cười! Làm thơ động viên mà như xúi người ta bỏ về sớm!. Do vậy nên tôi không dám gởi trực tiếp mà nhờ cô bé Trí cùng lớp Lâm 4 chuyển giúp. Không biết Hồng Cẩm nghĩ gì khi đọc bài thơ này ?

Võ Trần Nguyễn (vodinhtien@yahoo.com-0913120042)






























































































Nhận xét

Bài đăng phổ biến