Đạt nghèo

                                                                                                                                                                       

Than gửi: Tất cả ACE.
Mình có đứa cháu ruột tên Võ Hoàng Định. Cháu tốt nghiệp đại học kiến trúc; ra truờng 1 năm thì bị tai nạn giao thông và chết trước khi hỏi vợ 1 tuần.
Hôm nay là ngày giỗ của cháu Định, có rất nhiều bạn bè của cháu nay đã thành đạt về dự, trong đó có vợ chồng "Đạt nghèo", bạn của cháu mình và là nhân vật chính truyện kể kèm theo...
Gom nhặt những câu chuyện bạn bè của cháu mình kể lại về thời sinh viên, mình viết lại truyện của Đạt nghèo dưới dạng truyện ngắn (có thêm thắt tí chút!), coi như để kỷ niệm ngày mất của cháu Định...
Khi viết tác giả đang xỉn, viết xong vẫn còn xỉn...Hay dở kệ nó, đừng cười chê...

Bài viết này đã được gửi đến báo Tuổi Trẻ cuối tuần và báo Bình Thuận chủ nhật; đồng thời gửi đến toàn thể ACM trong trường cũ cùng nhâm nhi vào ngày chủ nhật rỗi rảnh...

Thân mến!
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

                                                                                                Truyện ngắn
                                                                                                      (Dựa theo chuyện có thật)
1. Hoàn cảnh của Đạt Nghèo.

Khuôn viên trường đại học kiến trúc khá rộng với nhiều bóng cây. Ở một góc sân, dưới gốc phượng già có quán cơm bình dân của bà Cả.
Gọi là quán cơm cho oai, thật ra chỉ lèo tèo dăm cái bàn, mấy chục cái ghế nhựa.
Thường ngày, bà chủ quán ngồi trên chiếc ghế gỗ đen nhẻm, lung lay, trước mặt là nồi cơm to đùng, chung quanh là những nồi soong đựng các món ăn bình dân: cá kho, canh cải, thịt ram mặn.. khách hàng là những cô cậu sinh viên nghèo trong trường.
Mấy hôm nay, bà Cả để ý một sinh viên mới nhập trường. Cậu trai này ốm nhom, xanh xao, vẻ mặt hiền lành và thường chờ lúc các sinh viên khác ăn xong, bà Cả sắp dọn hàng mới đến nhỏ nhẹ:
 - Má cho con chén cơm trắng với tí nước mắm!
Vốn kín tiếng, bà Cả lặng lẽ bán cơm cho cậu. Bà biết đây là cậu sinh viên nghèo nên bà chỉ tính tiền cơm bằng nữa giá và thường “lén” chan thêm vào chén cơm trắng chút nước cá kho, đôi khi “lòi” thêm vài lát thịt.
Đến một hôm, không nén nồi tò mò, bà Cả hỏi thăm hoàn cảnh, cậu sinh viên thật thà kể: cậu tên Đạt, quê miền Trung, cha mất sớm, mẹ đã già và hay đau yếu, không làm gì ra tiền để phụ cậu ăn học, vì thế cậu phải tự bươn chải vừa học, vừa làm.
Bà Cả thương cảm, bảo:
 - Hay là hàng ngày con ra đây phụ má bán cơm, má trả công cho.
 - Dạ, được má quan tâm con cám ơn lắm. Con giúp má để kiếm cơm ăn chứ không dám lấy tiền công. Con có thể phụ má từ năm giờ đến bảy giờ tối hàng ngày, sau đó con phải đi dạy kèm.
 - Ừ, được; nhưng phải sòng phẳng. Con làm má tính công, trừ tiền ăn, nếu thừa cho con lãnh, nếu thiếu con trả thêm cho má, chứ ăn cơm với nước mắm hoài, sức đâu học..
Biết những đứa trẻ nghèo hay mặc cảm, bà Cả nói chuyện thiếu thừa, bù vô bù ra cho Đạt yên lòng, chứ thực ra, tháng nào bà Cả cũng tính thêm “tiền thừa” cho cậu, khi thì một trăm ngàn, có tháng thừa tới một trăm rưỡi.
Đạt thắc mắc:
 - Sao má trả công con nhiều vậy? Mỗi ngày con làm có mấy tiếng mà thu nhập còn cao hơn đi dạy kèm là sao?
 - Cha mầy! Trả cao mà còn cự nự. Má thấy mầy làm siêng, được việc thì trả đúng công, chứ bóc lột bay chi?
Đến khi Đạt học năm 4, bà Cả nhận Đạt làm con nuôi. Đạt chuyển về nhà bà Cả ở luôn cho đở tốn tiền ký túc xá, hàng ngày Đạt vẫn đi dạy kèm và phụ giúp mẹ nuôi bán cơm.
o0o
Trong lớp kiến trúc của Đạt có tới hai người tên Đạt. Một Đạt con đại gia, tiền bạc rủng rẻng, thường bao bạn bè nhậu nhẹt, vũ trường, gái gú.. nên bạn bè đặt chết tên là Đạt giàu, còn Đạt bán cơm trong truyện này được gọi là Đạt nghèo vì thường thiếu tiền học phí, tiền ký túc xá và chỉ tiêu rất dè sẻn. .
Tuy nhiên, nếu thói đời không nặng phân biệt giàu nghèo thì phải gọi là Đạt giỏi và Đạt dở mới đúng.
Đạt nghèo tuy ăn mặc quê mùa, lên lớp hay ngủ gật vì phải thức cày quá khuya; nhưng lại là người học giỏi nhất lớp, và thường là đối tượng để các cô gái trong lớp hỏi thăm khi có đề bài khó.
Có lần, vị giáo sư dạy môn toán cao cấp, sau khi đưa ra đề toán hắc búa, cả lớp bó tay, vị giáo sư mới chép bài giải gần kín bảng đen, ngẫng lên, ông tức giận thấy Đạt nghèo đang gục mặt xuống bàn, ngáy kho kho.
Ông tức giận hét lên:
 - Em kia! - Ông ném viên phấn về phía Đạt.
Phải có người bên cạnh lay vai, Đạt nghèo mới tỉnh giấc.
 - Thưa thầy, tối qua bạn Đạt đi dạy kèm đến 12 giờ khuya mới về, rồi tự học đến 3 giờ sáng mới đi ngủ. Người bạn cùng phòng ký túc xá “đỡ đòn” cho Đạt.
 - Tôi không hỏi em! Đạt, em giải được bài toán này không?
Đạt nghèo nhíu mắt nhìn lên bảng:
 - Thưa thầy, cho em thử giải cách khác. .
 - Mời em lên bảng.
Đạt ngèo lau một góc bảng đen, vẽ lên mấy hình vẽ:
 - Thưa thầy, em xin giải bài toán tích phân 2 lớp này theo phương pháp hình học.
Đạt nghèo chỉ vào hình vẽ trình bày cách giải. Cả lớp ồ lên kinh ngạc vì cách giải sáng tạo, thông minh. Vị tiến sĩ rất hài lòng:
 - Em giỏi lắm! Từ nay em có quyền ngủ trong giờ tôi lên lớp. Tôi xin lỗi vì những gì tôi đã trách em lúc nãy.

2. Chuyện tình của Đạt nghèo.

Trong số những cậu ấm, cô chiêu mà Đạt dạy kèm, có cô bé Thủy, con gái đại gia bất động sản giàu khét tiếng của thành phố này. Phàm cha mẹ giàu con cái hay học dở, hư hỏng. Cô gái cưng của vị đại gia này cũng không ngoài chuyện đời thường đó. Từ lớp 10 đến lớp 12, Thủy học hành lem nhem, cuối năm thiếu điểm lên lớp, đại gia phải xăng xái chạy đôn chạy đáo mua điểm nên con gái mới tai qua nạn khỏi.
Nhưng khổ nỗi, thi tú tài và thi đại học thì không có cách gì chạy chọt cho con thi đỗ được. Đại gia bối rối, lo lắng ngày đêm. Trong một cuộc nhậu, người viết truyện này (là tôi) mới tiến cử Đạt nghèo dạy kèm cho cô chủ nhỏ:
 - Thằng sinh viên này khá lắm! Nó dạy con tôi mới mấy tháng mà con bé từ mất căn bản khá lên rõ rệt.. Ông nên nghe tôi, mời nó kèm là yên tâm.
 - Xùy! Tiến sĩ toán, lý, hóa kèm nó cả năm nay mà không ra gì nữa là thằng sinh viên.
 - Nhưng mà thằng này có phương pháp dạy hay lắm, nó có những chiêu dạy kèm rất độc, như dạy toán bằng thơ, dạy lý hóa bằng bài hát...có lần tôi thấy nó chỉ cho con tui cách chia phân số “xa nhân xa, gần nhân gần” gì đó làm con bé rất thích thú và ham học. Ông cứ để nó kèm thử xem..
Nghe tôi đế mãi, vị đại gia cũng xiêu lòng cho Đạt kèm thử, không ngờ kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi: Từ khi có thầy Đạt nghèo kèm cặp, cô bé Thủy bỏ ăn chơi, bè bạn, lao vào rèn văn luyện toán. Cuối năm đó, cô đậu tú tài, nhưng thi rớt đại học kiến trúc.
Ông đại gia vui mừng hợp đồng với Đạt nghèo luyện thi đại học cho con gái thêm một năm với tiền công hậu hĩnh, nếu Thủy đậu đại học, Đạt nghèo sẽ nhận được món tiền thuởng lớn.
Kỳ thi năm sau, Thủy thi đậu vào đại học kiến trúc. Đạt nhận được món tiền thưởng lớn. Cũng năm ấy Đạt nghèo tốt nghiệp với đề tài kiến trúc “Thành phố mới” được tất cả các vị giáo sư trong trường có bút phê“xuất sắc” và được Thành đoàn trao giải sinh viên sáng tạo.

Tốt nghiệp, Đạt về quê.
Trở lại chuyện cô bé Thủy con đại gia. Sau khi Đạt ra đi, cô cảm thấy buồn rười rượi. Tính cách của thầy giáo dạy kèm đã ăn sâu vào tâm trí và cô bé nhận ra cô đã yêu thầy dạy kèm của mình từ lâu. Nhưng làm sao cột lại đi tìm trâu được?
Một hôm, Thủy gặp người bạn thân của Đạt nghèo, đang làm việc tại thành phố. Cô hỏi thăm Đạt. Người này nói:
 - Bộ em không biết gì thật sao? Trước khi về quê, Đạt có tâm sự với anh là nó yêu em lắm, nhưng nó mặc cảm con nhà nghèo, thân phận tôi tớ cho gia đình em nên nó nói “đũa mốc không dám chòi mâm son!”
Cái tin sét đánh này làm cho Thủy khóc ròng. Trước đó cô ngờ ngợ nhận thấy mối quan tâm của Đạt dành cho mình, nhưng cô nghĩ đó là cách hành xử của người tốt, đâu ngờ..
Chủ nhật, Thủy tìm về quê thăm Đạt. Vừa gặp nhau trong ngôi nhà lá nghèo nàn của mẹ Đạt, cô lao vào ôm chặt lấy anh và hét lên: Em yêu anh!

3. Đám cưới của Đạt nghèo.

Mối tình của Đạt và Thủy lận đận mấy năm vì bà mẹ Thủy đã nhăm nhe làm sui gia với một quan chức cao cấp là lãnh đạo thành phố. Chung quy cũng chuyện giàu nghèo, môn đăng hộ đối. Chừng Thủy ra trường, mẹ cô khuyên răn không được bèn răn đe, dọa dẫm. Thủy tuyên bố:
 - Con chỉ yêu anh Đạt nghèo. Dù ảnh nghèo nhưng ảnh có tài, ảnh là người tốt. Nếu ba má cản trở thì con ở vậy chứ không lấy chồng. Nếu ba má ép uổng thì con tự tử.
Cuối cùng ba mẹ Thủy cũng phải chìu con, với điều kiện là Đạt nghèo phải chuyển về thành phố sinh sống vì đại gia này chỉ có Thủy là con một; nhưng điều này lại vướng vì Đạt là con trưởng, còn có mẹ già... Nhưng tôi hiểu đó chỉ là cái cớ; lý do chính là Đạt mặc cảm “con nhà nghèo”, “theo quê vợ”...
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Rốt cuộc, cha mẹ Thủy cũng đồng ý và đám cưới Đạt - Thủy diễn ra tưng bừng ở thành phố lớn. Nhưng đám cưới nhà trai được tổ chức tại nhà mẹ Đạt, vẫn diễn ra như một đám cưới nhà quê thường thấy vì Đạt cương quyết từ chối mọi sự hỗ trợ tài chính cho đám cưới từ phía gia đình Thủy. Lễ cưới đơn giản, có bà con hàng xóm đến phụ nấu tiệc và khách mời đa số là họ hàng, bà con trong xóm nghèo.
Trong lễ tuyên hôn, đại diện đàng trai có hai bà già là mẹ Đạt và bà Cả, mẹ nuôi Đạt. Mẹ Đạt phải ngồi ghế lúc làm lễ vì đau yếu, trong khi phía nhà trai đi đưa dâu với giàn xe siêu sang, hùng hậu và những bộ đầm, bộ đồ vét thời trang, sang trọng, đắt tiền khiến bà con trong xóm phải trầm trồ, lé mắt..
4. Đạt nghèo hiện nay.
Những năm sau này, mẹ Đạt mất. Đạt rước bà Cả mẹ nuôi về ở hẵn với vợ chồng anh.
Những năm cuối đời, bà Cả bị tai biến, liệt nửa người, nằm bất động. Hàng ngày đích thân Đạt bón cơm, chăm sóc, vệ sinh cho bà và cương quyết không cho ai chia xẻ công việc này với anh.
Hiện nay Đạt nghèo đã là giám đốc một công ty tư vấn, khảo sát xây dựng khá nổi tiếng trong tỉnh. Thủy làm phó cho anh và họ đang có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

5. Kết:
Tôi không phải nhà văn, cứ thấy sao viết vậy nên không hay lắm. Chỉ mong chuyển tải đến mọi người một thông điệp: Hạnh phúc không ở giàu nghèo mà từ ý chí của ta..
Người viết: Võ Đình Tiến
197 Thủ Khoa Huân, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
ĐT: 0913120042 email: vodinhtien@yahoo.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến